Tiềm ẩn tai nạn đường sắt tại Bắc Ninh
Thứ sáu, 17/06/2011 00:00
Dù chưa xảy ra tai nạn giao thông đường sắt gây chết người ở những tháng đầu năm, song hiểm họa về tai nạn đường sắt vẫn luôn rình rập. Với 24/38 đường ngang dân sinh trên tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn qua địa bàn Bắc Ninh không hề có một hệ thống cảnh báo nào cho người tham gia giao thông, mà từ nhiều năm chưa được ngành chức năng quan tâm, khắc phục.
Dù chưa xảy ra tai nạn giao thông đường sắt gây chết người ở những tháng đầu năm, song hiểm họa về tai nạn đường sắt vẫn luôn rình rập. Với 24/38 đường ngang dân sinh trên tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn qua địa bàn Bắc Ninh không hề có một hệ thống cảnh báo nào cho người tham gia giao thông, mà từ nhiều năm chưa được ngành chức năng quan tâm, khắc phục.
Cách đây chưa lâu, tại đường ngang dân sinh giao cắt giữa tỉnh lộ 295B với đường sắt Hà- Lạng vào phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn), anh Nguyễn Văn Khoa, ở Hà Nội, điều khiển xe ô tô BKS 30K- 0954 bị tàu chở khách chạy hướng Hà Nội- Lạng Sơn húc mạnh vào đầu xe, làm hư hỏng nặng, may là anh vẫn bảo toàn được tính mạng. Nguyên nhân do anh Khoa không quen đường, trong khi đó, điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt lại không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm nào, nên anh cứ mặc nhiên qua đường. Khi nghe tiếng tàu chạy gần đến, anh đã không kịp dừng xe. Mặc dù đó mới chỉ dừng lại ở va quệt, nhưng tai nạn gây chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, thiếu hệ thống cảnh báo như hiện nay.
Tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn qua địa bàn Bắc Ninh dài 20 km, (từ km13+ 615 đến km33+ 650), qua thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh. Trên toàn tuyến có 38 đường ngang các loại, trong đó chỉ có 3 đường ngang có rào chắn, 3 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động, 8 đường ngang có các loại báo hiệu khác, còn lại 24 đường ngang không hề có một báo hiệu nào để người tham gia giao thông nhận biết tàu sắp chạy qua khi qua các điểm giao cắt.
Tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục được, ngay cả khi chưa có đủ các nhân viên canh gác, chưa có rào chắn thì vẫn có thể lắp đặt đèn báo tự động hoặc các biển cảnh báo nguy hiểm khác… Vậy tại sao ngành đường sắt vẫn làm ngơ! Phải chăng vì chưa thấy xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nào nên cứ mặc cho ý thức của người tham gia giao thông hành xử. Thực trạng này còn dẫn tới một hiện tượng mất ATGT đường sắt khác, đó là việc lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt ngày một gia tăng. Điển hình như khu vực phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn), khu vực phường Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh)…, người dân tự ý xây dựng các công trình dân dụng như nhà ở, lều quán bán hàng, trồng cây, tập kết vật liệu xây dựng… rất nguy hiểm cho sự an toàn của các chuyến tàu, người dân sinh sống gần đó và sự qua lại của người tham gia giao thông.
Được biết, trong các cuộc họp bàn về công tác bảo đảm trật tự ATGT chung, Ban ATGT tỉnh rất gắt gao trong công tác chỉ đạo bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông cũng nỗ lực vào cuộc, phối hợp cùng ngành đường sắt tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phòng CSGT Công an tỉnh thành lập Tổ tuần tra, kiểm soát chuyên trách về đường sắt. Tổ tuần tra có trách nhiệm điều tra cơ bản địa bàn, nắm chắc các hoạt động trên tuyến đường sắt. Từ đó có biện pháp bảo đảm ATGT hiệu quả, kịp thời khắc phục những sự cố bất thường xảy ra. Vì vậy, trật tự giao thông đường sắt trước mắt vẫn được bảo đảm dù còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trên tuyến.
Hiện mỗi ngày vẫn có hàng nghìn lượt người, phương tiện lưu thông qua các đường ngang dân sinh. Bên cạnh đó còn nhiều người tập thể dục đi bộ trên đường sắt, hoặc chăn thả gia súc, gia cầm, học sinh đi học dọc tuyến… nên tình trạng mất ATGT đường sắt luôn ở mức báo động. Ngành đường sắt cần sớm có biện pháp khắc phục cũng như ý thức của mỗi người tham gia giao thông, người dân sinh sống ven hành lang đường sắt phải nâng cao, nhằm tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
NĐK Theo baobacninh.com.vn
Đăng Kết